Geisha hiện đại Geisha

Khu geiko Gion (hanamachi) ở Kyoto, Nhật Bản

Các geisha hiện đại vẫn sống trong những ngôi nhà geisha truyền thống gọi là okiya tại các khu vực gọi là hanamachi (花街 - "hoa nhai" - khu phố hoa), đặc biệt trong thời gian học việc của họ. Tuy nhiên, nhiều geisha giàu kinh nghiệm lại chọn cách sống trong những căn hộ của chính mình. Thế giới thanh lịch và văn hóa cao mà các geisha là một phần trong đó được gọi là karyūkai (花柳界, "hoa liễu giới" - thế giới của hoa và liễu).

Hiện nay, những người phụ nữ trẻ muốn được trở thành geisha thường bắt đầu đợt đào tạo sau khi đã hoàn thành trung học cơ sở hay thậm chí trung học phổ thông hoặc đại học, nhiều người bắt đầu nghề nghiệp của họ khi đã ở tuổi trưởng thành. Geisha vẫn học những nhạc cụ truyền thống như shamisen, shakuhachi (sáo trúc), và trống, cũng như những bài hát truyền thống, múa cổ điển Nhật, trà đạo, ikebana (cắm hoa Nhật), văn học và thơ ca. Từ việc quan sát các geisha khác cùng với sự giúp đỡ của chủ nhà geisha, những người học việc cũng trở nên điêu luyện trong các truyền thống phức tạp xung quanh việc lựa chọn và mặc kimono, cũng như cách cư xử với khách hàng.

Ngày nay, Kyoto là nơi có truyền thống geisha còn lại mạnh nhất. Hai trong số các khu phố geisha truyền thống và danh tiếng nhất là GionPontochō đều ở Kyoto. Geisha trong các khu phố này được gọi là geiko. Các "khu phố hoa" Shimbashi, AsakusaKagurazaka tại Tokyo cũng nổi tiếng.

Ở Nhật Bản hiện đại ngày nay, người ta hiếm khi nhìn thấy geisha và maiko. Vào năm 1920, tại Nhật Bản có trên 80 nghìn geisha, nhưng ngày nay chỉ còn dưới 1000 người[cần dẫn nguồn]. Tuy nhiên, các du khách đến khu Gion ở Kyoto rất dễ nhìn thấy một maiko đang trên đường đến hoặc về từ một cuộc hẹn.

Sự suy tàn của truyền thống geisha có nguyên nhân từ nền kinh tế ì trệ, sự suy giảm của mối quan tâm đến các loại hình nghệ thuật truyền thống, bản chất khó nhìn thấu được của thế giới hoa liễu, và chi phí cao cho việc được geisha giải trí.

Geisha thường được thuê để tham dự các buổi tiệc và tụ họp, theo truyền thống là tại các quán trà (茶屋, chaya) hoặc tại các nhà hàng Nhật Bản truyền thống (ryōtei). Thời gian làm việc của họ được đo theo thời gian một cây hương cháy hết, và được gọi là senkōdai (線香代, tuyến hương đại) hoặc gyokudai (玉代 ngọc đại - "giá ngọc"). Một từ khác để miêu tả chi phí là "ohana", hay phí hoa. Khách hàng thỏa thuận sắp xếp qua văn phòng hiệp hội geisha (検番 kenban), nơi quản lý lịch làm việc của từng geisha và sắp xếp các cuộc hẹn của cô trong cả việc huấn luyện lẫn tiếp khách.